Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

KÊ KHANG NẦY KHÚC QUẢNG LĂNG

            Sau khúc "Tư Mã phượng cầu" thâm trầm như oán như sầu, Kiều chuyển sang khúc "Quảng lăng":
"Kê Khang nầy khúc Quảng lăng
Một rằng Lưu thuỷ hai rằng Hành vân"
(câu 477 đến 478)
            Trên đồ sứ Trung Hoa, ta thường thấy vẽ 7 cụ già ngồi bên rừng trúc. Kẻ đánh cờ, gảy đàn, thổi tiêu, người uống rượu ngâm thơ... trông vẻ tiêu diêu tự toại. Ðó là hình ảnh "Trúc lâm thất hiền" (bảy ông hiền trong rừng trúc) đời nhà Nguỵ (220- 264). Kê Khang là một trong 7 ông này.
            Kê Khang vốn người có tính cao khiết, giàu lòng nghĩa hiệp và cùng là một người có biệt tài về các môn: cầm, kỳ, thi, họa. Một điều lạ hơn hết là mặc dầu có tài như vậy nhưng ông không học qua một ông thầy nào. Từ nhỏ đến lớn, ông có công tự học, rèn luyện mà nên. Ông vốn họ Khuê, người đất Thương Ngu, huyện Cối Kê (nay là huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang). Vì một sự thù oán do người gây nên, ông phải dời về ở ẩn huyện Hoa Dương, tỉnh An Huy. Gần chỗ ông ở có núi Kê (Kê Sơn) nên ông lấy tên Kê làm họ.
            Kê Khang cũng như sáu người bạn kia đều thích an nhàn dật lạc, say mê đạo Lão, có người bảo: "Ba ngày không đọc "Ðạo đức kinh" thì miệng thấy hôi". Ông có ra làm quan đến chức Trung tán Ðại phu, nhưng luôn chê vua Thang, vua Võ, Khinh Văn Vương và Khổng Tử. Thơ ông có giọng triết lý:
"Mục tống phi hồng
Thủ huy ngũ huyền
Phủ ngưỡng tự đắc
Du tâm thái huyền"
    Nghĩa:
"Mắt tiễn hồng bay
Tay gảy năm dây
Cúi ngửa tự đắc
U huyền thích thay"
(Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)
            Kê Khang làm quan một thời gian rồi từ quan, mai danh ẩn tích để hưởng thụ tiêu diêu lúc về già. Nhưng thảm thay, ông muốn tránh khỏi điều phiền luỵ ở cõi trần thì lại còn lận đận, khổ luỵ vì trần.
            Từ quan, Kê Khang sống một cuộc đời ẩn dật, ngày ngày ngao du sơn thuỷ, hái thuốc, vui say với vần thơ điệu đàn. Bấy giờ nhà Nguỵ họ Tào suy vi, Tư Mã Chiêu có ý muốn lật đổ nên tìm mọi cách trừ khử những phe phái chống đối. Lúc ấy ở huyện Ðông Bình có người tên Lữ An vì ngưỡng mộ Kê Khang nên tìm đến ra mắt. Hai người kết bạn thâm giao. Không ngờ An có một người anh họ tên Lữ Tốn vốn bộ hạ thân tín của Tư Mã Chiêu, ỷ thế hoành hành, thấy vợ của Lữ An xinh đẹp, muốn chiếm đoạt nên bắt An hạ ngục.
            Vì tình bạn, Kê Khang đứng ra minh oan. Nhưng rồi cũng bị bọn quyền thần bắt giam. Kê Khang vốn thuộc con rể trong thông thất nhà Nguỵ, nên họ muốn tìm cách trừ tuyệt. Chúng lại dựng chứng Kê Khang dám khinh chê vua Thang, vua Võ, Văn Vương, Khổng Tử là có ý phản loạn nên kết án tử hình.
            Kê Khang vốn có tài đàn. Khúc "Quảng Lăng" do ông sáng tác, đánh lên nghe lưu loát, thánh thót như nước chảy (lưu thuỷ), mây bay (hành vân). "Lưu thuỷ" và "hành vân" là giải thích cách điệu lưu loát của khúc Quảng lăng. Cũng như tiếng đàn thánh thót của Kiều như nước chảy mây bay chẳng khác gì khúc "Quảng lăng" của Kê Khang, một tay đàn kỳ diệu.
            Tình cảm của người gảy đàn cũng chuyển biến, biểu lộ bằng khúc đàn.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai23.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.