Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Ví chăng duyên nợ Ba sinh


  
       Kim Trọng nhân gặp Thuý Kiều du xuân trở về mang nặng mối tình nhớ nhung, tương tư Kiều, có câu:
"Mành tương phân phát gió đàn
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình
Ví chăng duyên nợ ba sinh,
làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi."
    Và, khi Kim Trọng tìm thuê được nhà ở gần nhà của Kiều, có hiên Lãm Thuý, chàng lấy làm mừng rỡ:
"Mừng thầm chốn ấy chữ bài,
Ba sinh âu cũng duyên trời chi đây."

    "Ba sinh" dịch chữ "tam sinh" tức là ba kiếp chuyển sinh: quá khứ, hiện tại và vị lai. Sách " Trần Ðăng Lục" và sách " Quần Ngọc Chú" có chép:
    Xưa có chàng Tỉnh Lang, một hôm đến chùa Nam Huệ nằm chơi bỗng ngủ quên, mộng thấy mình đi chơi non bồng. Tỉnh Lang trông thấy một nhà sư đương ngồi niệm kinh trước một cây nhang đương cháy. Tỉnh Lang thấy lạ hỏi. Nhà sư nói:
    - Khi trước có một người đi cúng chùa, thắp cây nhang này, khấn nguyện. Nhang hãy còn cháy mà người ấy đã sinh ra ba kiếp rồi. Kiếp đầu, triều vua Huyền Tông nhà Ðường, người ấy làm quan phủ sứ đất Kiến Nam. Kiếp thứ hai cùng đời nhà Ðường, triều vua Hiến Tông, làm quan đất Tây Thục. Kiếp thứ ba sinh ra Tỉnh Lang. Tỉnh Lang nghe nói đến tên mình , giật mình thức dậy nhưng lòng nửa tin, nửa ngờ.
    "Truyện Kiều" đoạn diễn tả tâm sự của Kiều nhớ cha mẹ, nhớ Kim Trọng khi ở lầu xanh tại Lâm Tri, có câu:
"Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
    Ðoạn diễn tả Hồ Tôn Hiến bắt Kiều đánh đàn hầu rượu, nghe xong:
" Dạy rằng: "Hương lửa ba sinh
Dây loan xin nối cầm lành cho ai?"
    Ðến lúc Kiều tái hợp cùng Kim Trọng, có câu:
" Ba sinh đã phỉ lời nguyền
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy"
    "Duyên nợ ba sinh" tức duyên nợ từ ba kiếp với nhau. Ðây nói duyên nợ phải làm vợ chồng với nhau do tiền định.
    "Tình sử" Trung Hoa có câu:
"Kim sinh dỉ quý hỉ
Trùng kết hậu sinh duyên,"
Tạm dịch: " Kiếp này duyên đã dở
Kiếp khác nguyện đền bồi"
    Hay là:
" Kiếp này duyên đã muộn rồi,
Thề xin kiếp khác đền bồi duyên sau."
Hay:  "Kiếp này duyên đã dở dang ( lỡ làng)
Thề xin dệt mối duyên vàng kiếp sau
    "Kiếp", theo Phật giáo, chỉ đời người có kiếp này liên hệ với kiếp khác, kiếp trước với kiếp sau. Duyên nợ vợ chồng cũng có tiền định từ kiếp được nối tiếp. "Nước non để chữ tương phùng kiếp sau"
        Ðoạn nói về Kiều bị Tú bà cưỡng bách tiếp khách, Kiều tự an ủi:
"Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻi đền bù mới xuôi".
( Theo Ðiển tích Truyện Kiều - Nxb Ðồng Tháp)

Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/Bai10.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.