Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Tống Ngọc, Trường Khanh- mưa Sở mây Tần


        Bị mụ Tú Bà cưỡng bức tiếp khách để làm giàu cho cái lầu xanh của mụ, Kiều không còn cách nào giải thoát. Ðoạn diễn tả cảnh và tâm sự của Kiều, có câu:
Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao mày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì
(câu 1229 đến 1240)
        Tống Ngọc, người nước Sở đời Xuân Thu
        Trường Khanh tức Tư Mã Tương Như, người đời nhà Hán.
        Tiểu sử của Tống Ngọc còn mơ hồ. Người ta biết ông có tài văn chương qua các thiên "Chiêu hồn", "Ðại chiêu", "Cửu biện" và nhiều bài phú như "Ðăng đồ tử hiếu sắc phú" , "Cao đường phú"... Chỉ có biết chắc hơn ông là người đẹp trai, lãng mạn, đa tình....
        Về văn chương có một số đặc sắc sở trường về miêu tả, như trong hai thiên "Chiêu hồn" và "Ðại Chiêu", ông tả mỹ nhân thì môi son, răng trắng, xương nhỏ, thịt đầy, mày cong và dài, dung nhan tú nhã, vui vẻ khoan thai; tả cung thất thì nào sân, nào hiên, cửa son, gác tía... Trước ông, chưa ai tả tỉ mỉ, đầy đủ chi tiết như thế.
        Tương truyền, một lần vua Sở hỏi Tống Ngọc:
- Tiên sinh hẳn có khuyết điểm trong tính hạnh nên trong nước không có mấy người khen. Phải thế chăng?
    Tống Ngọc đáp:
- Trong nước không có ai khen, hạ thần thực rất lấy làm vẻ vang. Khi xưa ở kinh đô, có một nhà ca nhạc trứ danh. Buổi đầu hát khúc "Hạ lý ba nhân", cả thiên hạ đều nức nở khen hay; rồi hát khúc "Dương a hệ lộ" thì người khen còn có vài trăm; lại hát đến khúc "Dương xuân bạch tuyết" thì chỉ còn hơn mười bằng lòng. Vì khúc hát càng cao, người hiểu lại càng ít. Chim phụng giương cánh bay chín tầng mây, dọc ngang trong khoảng mênh mông vô tận; chim én đậu ở hàng rào, không cùng chim phụng biết đất trời là rộng nên chê chim phụng lung lăng. Cá côn sớm dậy ở Côn Lôn, trưa nằm vườn non Kiệt Thạch, tối bơi về biển Mạnh Trư; cá chép ở ao tù, không cùng cá côn biết sông biển là lớn nên chê cá côn hiếu sự. Người ta tư tưởng càng cao, tính hạnh càng quý lại càng ít có người biết đến. Cho nên, lời chê của thiên hạ, hạ thần vui lòng nhận lấy, và lại mong thiên hạ ngày càng chê thêm mãi lên..."
        Nếu tương truyền quả thực như thế, Tống Ngọc là một người có tư tưởng khác thường nhưng lại quá tự cao.
        Trường Khanh tức Tư Mã Tương Như đã có nói ở một bài trước (xem bài "Khúc đâu Tư Mã phượng cầu")
        Tống Ngọc và Trường Khanh, cả hai đều có tài văn học và cũng đều đẹp trai, lãng mạn, đa tình.
        "Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh", tác giả mượn hai nhân vật này, chủ yếu nói lên sự tiếp khách của Kiều đối với đối tượng nào. Vì sớm tối, Kiều phải tiếp khách nhưng toàn là khách phong lưu tài tử (như Tống Ngọc, Trường Khanh), chớ không phải khách tầm thường.Và cũng do đó, nhờ Kiều mà thanh lâu của mụ Tú Bà càng nổi tiếng, càng đắt khách
Mặc người mưa Sở mây Tần
        "Mưa Sở" tức nhắc đến Sở Tương Vương đi chơi đất Cao Ðường GẶP THẦN NỮ NÚI VU SƠN TRONG GIẤC MỘNG NÓI: SỚM LÀM MÂY CHIỀU LÀM MƯA. Ý nói sự tình tự ân ái giữa trai gái. Còn "mây Tần", nhiều nhà nghiên cứu "Truyện Kiều" khi chú thích cho rằng: mây Tần (viết không hoa) không có điển như "mưa Sở", tác giả (Nguyễn Du) ghép vào cho đối để diễn ý "mây mưa", song nói mây Tần là vì văn xưa hay dùng Tần đối với Sở (theo "Từ điển truyện Kiều" của Ðào Duy Anh) Và, đặt là mây Tần cho cân đối với mưa Sở (viết không hoa) khiến lời thơ thêm đẹp (theo "Truyện Kiều chú giải" của Vân Hạc, Lê văn Hoè).
        Truyện Kiều gồm có 3.254 câu, tất nhiên tác giả có lạm dụng về điển tích, có chỗ khiên cưỡng về vần điệu- khó tránh được dầu là một nhà thơ lớn- nhưng trong hai câu thơ trên dùng điển mưa Sở mây Tần mà mây Tần không có nghĩa, nếu để cân đối với mưa Sở khiến lời thơ thêm đẹp... như lời chú thích của hai học giả trên, thì ra tác giả chỉ viết cho sướng tay, nói cho sướng miệng mà không có ý nghĩa gì, thiết tưởng tác giả Truyện Kiều đâu quá bị khiên cưỡng về vần điệu để phải vụng về hay vô trách nhiệm!
        Sở, Tần là hai nước mạnh đời Xuân Thu- Chiến quốc. Hai nước xa cách nhau. Nước Sở ở vào vùng Hồ Bắc, Hồ Nam; Tần ở vào địa phận Tân Châu (tỉnh Cam Túc) và tỉnh Thiểm Tây. Hai nước này cùng 5 nước: Yên, Tề, Triệu, Nguỵ, Hàn đời Chiến quốc (479- 220 trước DL) cũng gọi là Thất hùng, tranh đánh nhau mưu lấy quyền bá chủ. Nước nào cũng tìm người tạo lấy vi cánh, xây dựng thế lực. Do đó, phát sinh một hạng người khi bỏ nước này sang đầu nước khác để lập công danh, có kẻ lừng chừng nên có câu:
Bỏ Sở về Tần (hay Tề) e Sở giận
Bỏ Tần (hay Tề) về Sở ngại Tần (hay Tề) ghen
        Ðối với kẻ có liêm sỉ hay chán đời, sống cảnh an nhàn dật lạc thì cương quyết và tủi hận:
Mặc ai sớm Sở chiều Tần
Riêng mình nào biết có xuân là gì!
        Như vậy, ở đây, tác giả Truyện Kiều mượn cái tính chất của bọn đầu cơ chính trị để nói đến cái tính chất của khách làng chơi từ xa đâu đâu đến, thoả mãn nhục dục rồi chỉnh tề trang phục, khăn gói ra về... Ðây là những trò "mây mưa" của khách xa xuôi (Sở, Tần) qua đường mua vui. Họ không thuỷ chung- mà bắt buộc thuỷ chung sao được- nhưng họ sòng phẳng, có tính toán: chuẩn bị tiền và trả tiền cho mụ Tú Bà.
Mặc người mưa Sở mây Tần
Riêng mình nào biết có xuân là gì!
        Ta có thể hiểu: mặc để khách xa xuôi đổ đến ân ái mua vui với nay kẻ nơi này mai kẻ nơi khác... rồi đi. (Dùng lối đảo ngữ, ta có thể viết "mặc người Sở Tần mây mưa"). Riêng mình Kiều như cái máy, không biết tình ái (xuân tình tức tình yêu hay ái tình) là gì cả!.
(theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)


Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai50.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.