Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Tiếng sen sẽ động giấc hoè


                                     
            Kim Trọng tựa án thiu thiu ngủ, mơ màng thì Kiều nhân lúc cha mẹ và hai em vắng nhà, mới băng lối vườn khuya sang chỗ ở của Kim Trọng:
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hoè
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
(Câu 435 đến 438)
            Trong "Nam Kha ký thuật" của Lý Công Tá đời nhà Ðường, có kể chuyện Thuần Vu Phần nằm mộng thấy mình đến nước Hoè an. Thuần được vua nước này cho vào bái yết. Thấy Thuần tướng mạo Khôi vĩ nên gả công chúa, phong làm phò mã và cho ra quận Nam Kha với chức Thái Thú, cai trị một miền.
            Ðương lúc vợ chồng Thuần sống cuộc đời vương giả cực kỳ sung sướng thì bỗng có giặc kéo đến vây đánh quận Nam Kha. Thuần đem quân chống cự. Giặc đông, thế mạnh, Thuần thua chạy. Quân giặc bao vây, phá thành. Vợ Thuần chết trong loạn quân.
            Thuần Vu Phần độc thân trở về kinh, tâu lại vua cha. Nhà Vua cho Thuần là kẻ hèn nhát, bất tài lại nghi Thuần hàng giặc nên tước hết phẩm hàm, đuổi về làm thứ dân. Thuần oan ức vừa tủi nhục, khóc lóc bi thương... Vừa lúc ấy, Thuần chợt tỉnh dậy, thấy mình đương nằm ngủ dưới gốc cây Hoè, trên đầu một cành cây chĩa về phía Nam. Cạnh Thuần còn có một ổ kiến lớn. Bầy kín kéo hàng đàn hàng lũ trèo lên cây Hoè.
            Cũng có sách chép:
            Ðời nhà Ðường có một nho sinh họ Lữ đi thi không đỗ. Trở về dọc đường vừa buồn vừa đói nên ghé vào một nhà chùa con bên cạnh khu rừng, xin cơm đỡ lòng. Chùa nghèo, nhà sư nấu kê đãi khách.
            Vì mệt mỏi nên họ Lữ nằm một lúc thì ngủ khò. Chàng thấy mình thi đỗ, được chức to lại được nhà vua gả công chúa, phong làm phò mã và cho đi trấn nhậm một nơi. Thực là vinh quanh, phú quý không ai bằng. Nhưng khi trên đường đi phó nhậm, chẳng may giữa đường gặp giặc đổ đến đánh. Lữ chống cự không lại. Lính hộ vệ bị giết, xe cộ bị đập phá tan tành. Vợ chồng Lữ trốn chạy nhưng bị giặc thộp cổ, đưa gươm lên định thọc huyết... Lữ kinh hoảng kêu lên một tiếng, giật mình tỉnh dậy, giữa lúc nồi kê chửa chín.
            Sách "Chẫm trung ký" đời nhà Ðường chép có khác:
            Có chàng thư sinh họ Lư một hôm vào quán gặp một cụ già xưng là tiên. Trong khi chuyện trò, họ Lư phàn nàn đời mình sao nghèo khổ quá. Cụ già liền đưa cho chàng một cái gối để đối đầu. Giữa lúc ấy, chủ quán đương nấu kê. Lư nằm gối chờ kê chín bỗng ngủ thiếp đi. Lư mộng thấy mình thi đỗ tiến sĩ làm quan Tiết độ sứ, có vợ giàu đẹp lại dẹp được giặc, được vua phong đến chức Tể tướng. Thời gian 10 năm, Lư sinh năm người con đều làm quan. Lư sống đến 80 tuổi mới chết... Chợt tỉnh dậy, chủ quán nấu kê chưa chín.
            "Kê vàng" tên chữ là gạo "hoàng lương", một thứ ngũ cốc nhỏ như cát màu vàng. Nhà nghèo bên Trung Hoa xưa dùng kê để ăn thay gạo.
            Cổ văn Việt Nam thường dùng điển tích: giấc hoè, giấc Nam Kha, giấc kê vàng, giấc hoàng lương... để chỉ sự công danh phú quý của người đời chẳng khác nào như một giấc mộng!
"Ðèn thông khêu cạn giấc hoè chưa an"(Bích Câu kỳ ngộ- Vô Danh)
"Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không"
(Cung oán ngâm khúc- Nguyễn Gia Thiều)
"Giấc mộng Nam Kha khéo chập chờn
Giữa trời riêng một cảnh giang sơn"
(Tát nước- Trần Tế Xương)
            Trong Truyện Kiều, đoạn tả Kiều bị hai tên tay sai của Hoạn Thư là Khuyển, Ưng đánh thuốc mê, đốt nhà, bắt đem về huyện Vô Tích, Kiều mê man, có câu:
"Vực nàng tạm xuống môn phòng
Hãy còn thiêm thiêm giấc nồng chưa phai
Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai
Cửa nhà đâu mất lâu đài nào đây?"
(Câu 1713 đến 1716)
            Và, khi Kiều trầm mình dưới sông Tiền Ðường được vãi Giác Duyên nhờ ngư ông vớt lên, có câu:
"Giác Duyên nhìn thực mặt nàng
Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai"
            Giấc hoè, giấc hoàng lương, giấc vàng (kê vàng) dùng ở đây chỉ có nghĩa là giấc ngủ.
            "Tiếng sen sẽ động giấc hoè", tiếng sen là tiếng bước chân nhẹ nhàng của một phụ nữ đẹp (tức Kiều). Nguyên ngày xưa, vua Tề Ðông hầu say đắm sắc đẹp nàng Phan phi nên làm hoa sen bằng vàng dát vào nền cung cho nàng đi rồi khen "mỗi bước đi lại nở một bông sen(bộ bộ sinh liên hoa). Cũng như khi nói "gót sen" tức nói chân đẹp của một phụ nữ kiều diễm, để chỉ gót chân đẹp của Kiều:
"Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường"(câu 378)
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

Source http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich_Kieu/bai17.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.